Kiến trúc bệnh viện
Kiến trúc bệnh viện với các yếu tố tác động
Bệnh viện là một thể loại công trình kiến trúc công cộng có tính đặc thù cao, phải đáp ứng những công nghệ có yêu cầu chặt chẽ và đặc biệt. Kiến trúc bệnh viện ngoài nghệ thuật tổ chức không gian còn phải quan tâm đến công nghệ khám chữa bệnh và trang thiết bị y tế. Để có những công trình phục vụ tốt nhiệm vụ, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, đội ngũ KTS, kỹ sư những người làm tư vấn thiết kế cần phải nắm rõ vấn đề công nghệ khám - chữa bệnh và luôn cập nhật những trang thiết bị y tế mới, hiện đại. 


HỆ THỐNG BỆNH VIỆN HIỆN NAY - NHỮNG HẠN CHẾ


Việt Nam đã có một hệ thống công trình chăm sóc sức khỏe (CSSK) với nhiều quy mô phân theo từng cấp phục vụ, xây dựng trên diện rộng từ tuyến xã phường, quận huyện, tỉnh đến tuyến Trung ương. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, điều kiện, việc thiết kế, tổ chức xây dựng các bệnh viện cơ sở chăm sóc sức khỏe còn nhiều bất cập.


Trạm y tế cơ sở được thiết kế như nhà ở truyền thống gồm 3 đến 5 gian nhà ở một tầng cấp 4, nhỏ hẹp, dây chuyền công năng bị chồng chéo, không gian khám chữa bệnh không đủ diện tích để phân định rõ chức năng nhiệm vụ, không gian khám thủ thuật cũng chính là không gian phục vụ chung.


Bệnh viện quận, huyện, thiết kế mặt bằng kiến trúc không phù hợp với dây chuyền công nghệ khám chữa bệnh. Phòng đợi, đón tiếp bệnh nhân là hành lang giao thông. Khu khám được thiết kế theo từng buồng, phòng quá lớn không có các không gian riêng cho các thủ thuật y tế. Nhiều cơ sở được xây dựng mới có diện tích rất lớn nhưng diện tích sử dụng hữu ích rất nhỏ do không có thiết kế dây chuyền công nghệ và trang thiết bị y tế phù hợp.


Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa (bao gồm: tâm thần, sản,  nhi...) có cơ sở khá hơn tuyến quận huyện về quy mô cũng như chất lượng thiết kế. Trừ một số công trình được cải tạo mở rộng còn hầu hết bệnh viện tuyến tỉnh đã được xây mới, quy mô cấp độ tăng lên so với ban đầu. Hầu hết các công nghệ và thiết bị y tế mới, hiện đại - "phần ruột" được áp dụng nhưng "phần vỏ" - thiết kế kiến trúc chưa tương thích với yêu cầu.


Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến Trung ương gồm những bệnh viện vùng, đầu ngành có quy mô lớn trong thiết kế hiện đại, thường sớm được thay đổi cập nhật với sự phát triển của kỹ nghệ khám chữa bệnh tiên tiến nhưng cơ sở hạ tầng, đặc biệt diện tích đất không gian kiến trúc lại bị đông cứng, thay đổi quá chậm. Hầu hết các công trình được cải tạo mở rộng và nâng cấp nhưng diện tích đất lại bị thu hẹp so với thiết kế ban đầu quá nhiều. Đơn cử bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt có quy mô 1300 giường nhưng khu đất cũ của bệnh viện Bạch Mai đã được phân chia cho 7 bệnh viện và viện chuyên ngành nhỏ ở trong bệnh viện. Thanh Nhàn - Hà Nội khi cải tạo nâng cấp trong khuôn viên lại được phân cho 2 bệnh viện mới...

Bệnh viện cũng như những công trình kiến trúc khác phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường, khí hậu tự nhiên. Việc nghiên cứu thiết kế các không gian kiến trúc thích hợp với điều kiện khí hậu, địa lý của từng vùng miền xây dựng, hướng gió, hướng nắng sẽ là yếu tố định hướng chính trong việc tổ hợp mặt bằng, khí hậu nóng ẩm sẽ thích hợp với giải pháp kiến trúc “không gian mở”. Với nhiều lớp không gian cao, thoáng, hòa hợp với xung quanh; lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm ảnh hưởng đến việc sử dụng vật liệu bao che, làm mái, chống thấm, chống nóng và các biện pháp trao đổi không khí sẽ quyết định không gian, độ lớn công trình.


      
      Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 2, Biên Hòa, Đồng Nai

Công trình bệnh viện không những chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố môi trường khí hậu mà yếu tố địa hình, địa chất khu đất cũng tác động không nhỏ đến các giải pháp quy hoạch, kiến trúc, bố cục hình khối và giải pháp không gian bên trong.


Tổ hợp không gian kết hợp giữa môi trường khí hậu còn có những giải pháp tích cực sử dụng vật liệu địa phương, phù hợp với từng điều kiện riêng tại các vùng miền xây dựng sẽ tạo ra những kiến trúc thiết dụng đảm bảo đủ các yêu cầu của công tác chăm sóc sức khỏe và hài hòa với cảnh quan khu vực. Mỗi vùng địa lý, khí hậu khác nhau cần có những giải pháp kiến trúc phù hợp tạo ra ngôn ngữ kiến trúc đặc trưng các loại hình công trình y tế đậm đà bản sắc địa phương.


Trên thực tế công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe của các quốc gia đều chịu tác động của các chính sách kinh tế xã hội. Cơ cấu tổ chức kinh tế và các chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ mắc bệnh và tai nạn, xác định kinh phí cho hoạt động y tế cũng như xác định công nghệ chữa bệnh và hình thức xây dựng quy mô, cấp độ của các cơ sở khám - chữa bệnh. Trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường có định hướng, các chính sách không những tác động đến sự nghiệp phát triển y tế mà còn trực tiếp làm thay đổi các mô hình tổ chức, không gian khám chữa bệnh để phù hợp chính sách, cơ chế thị trường nhằm tăng cường khả năng và cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế của nhân dân.

 

THIẾT KẾ BỆNH VIỆN - NHỮNG YẾU TỐ MỚI TÁC ĐỘNG


Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, công nghệ ảnh y tế đã tạo ra nhiều phương tiện thiết bị y tế (chẩn, trị) tiên tiến, hiện đại được đổi mới thường xuyên, liên tục hàng năm - nó đang làm đảo lộn nhiều phương pháp chăm  sóc sức khỏe, tác động không nhỏ đến các nguyên lý tổ chức như kiến trúc không gian khám - chữa bệnh.


Thiết bị chẩn đoán bằng hình ảnh: trước đây chỉ được cung cấp thiết bị Xquang thường quy nhưng hiện nay đã có các máy X quang tăng sáng truyền hình, kỹ thuật số, siêu âm các loại đen trắng, màu 4 chiều, máy CT - Caneer, máy cộng hưởng từ (MPI); máy PETCT...


Thiết bị xét nghiệm: hiện đại theo chuyên môn sâu như kỹ thuật Enzym, kỹ thuật hóa học khô, kỹ thuật phổ hấp thụ nguyên tử, cùng các thiết bị phân tích tự động đa thông số đang làm thay đổi về chất trong chẩn đoán trên lâm sàng có thể phát hiện sớm những dấu hiệu ban đầu của căn bệnh.


Thiết bị thăm dò chức năng: nhiều loại thiết bị mới dễ dàng kiếm tra khả năng của các bộ phận chức năng cơ thể như máy đo điện não đồ, điện tâm đồ, hô hấp ký, đặc biệt có thiết bị định hướng chẩn đoán, thiết bị nội soi...


Thiết bị phục vụ công tác hồi sức cấp cứu: ngoài các thiết bị cấp cứu thông thường như: giường cấp cứu đa thông số monito, dụng cụ thủ thuật, còn có các thiết bị chuyên dụng phân theo các chuyên khoa cấp cứu như Hồi sức hô hấp, Hồi sức tuần hoàn tim mạch, Hồi sức tiết niệu, Hồi sức tiêu hóa, Hồi sức ngộ độc và Chăm sóc tích cực (ICU).


Thiết bị và nội thất phòng mổ: đã được đổi mới, nhiều thiết bị hiện đại vì phòng mổ là nơi tập trung công nghệ, kỹ thuật y tế cao để can thiệp y khoa cứu chữa cho bệnh nhân. Không gian làm việc phải đủ diện tích tiện nghi và không gây trở ngại cho việc thao tác hoạt động của phẫu thuật viên, các điều kiện môi trường vi khí hậu (nước sạch, vô khuẩn, ánh sáng lạnh, độ rọi lớn, không khí nhiệt độ mát, sạch liên tục luân chuyển và có áp lực (++) so với xung quanh nhưng độ ồn phải đảm bảo ở mức cho phép. Ngoài ra các thiết bị, tiện ích cung cấp đầy đủ, liên tục như dịch truyền, máu, khí y tế và các dụng cụ vật tư tiêu hao cần thiết.


Tuân thủ nguyên tắc khu phẫu thuật phải là khu vực sạch nhất được nghiên cứu thiết kế hoàn chỉnh từ dây chuyền công năng hệ thống giao thông và bố cục vị trí đến việc chỉ định các vật liệu thiết bị hoàn thiện đó là những phòng sạch đạt chuẩn quốc tế cao, cấp độ Claas 100000-10000 và 1000.


Thiết bị điều trị bằng tia xạ: những ứng dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực phóng xạ hạt nhân đã làm thay đổi cơ bản kỹ nghệ y học, nhiều kỹ thuật mới được sử dụng tích cực có hiệu quả ở Việt Nam như dao gama, máy gia tốc, máy xạ trị áp sát liều cao, áp sát liều thấp. Để sử dụng các thiết bị đặc hiệu bắt buộc các cơ sở phải có đủ các điệu kiện hạ tầng kỹ thuật tương thích đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, cho bác sĩ và cho cộng đồng.


Công trình kiến trúc nói chung và công trình bệnh viện nói riêng chịu sự tác động rất lớn của điều kiện khí hậu gió, mưa nắng, địa hình, địa vật của từng vùng lãnh thổ. Thiết kế xây dựng bệnh viện phải phù hợp với các yếu tố đó để tạo nên những kiến trúc có ngôn ngữ, bản sắc của từng vùng, miền, địa phương.


Điều kiện kinh tế phát triển, xã hội ổn định dẫn đến các nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, cơ cấu các loại hình bệnh viện cũng thay đổi cơ bản, phát sinh nhiều loại bệnh của thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tỷ suất các bệnh ung thư, tim mạch gia tăng cùng với sự lão hóa của dân số và nếp sống sinh hoạt đô thị hiện đại ảnh hưởng lớn đến công tác.


       
       Kiến trúc bệnh viện Phổi Hà Nội

Thiết kế, xây dựng các cơ sở CSSK thích ứng với thời kỳ đổi mới không chỉ tăng về quy mô, cấp độ phục vụ mà còn phát triển đa dạng về loại hình và tăng nhanh về số lượng công trình. Tiến bộ của khoa học và công nghệ y sinh đã tạo ra cách mạng trong thiết bị y tế, phương tiện chẩn đoán, xét nghiệm đều tiến bộ, hiện đại và đổi mới liên tục, làm thay đổi nhiều công nghệ chữa bệnh kinh điển, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thiết kế, xây dựng các cơ sở CSSK. Đặc biệt là hệ thống kỹ thuật hạ tầng phải được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ mới phát huy được thế mạnh mang tính ưu việt của  trang thiết bị y tế (TTBYT).


Đổi mới phương thức khám - chữa bệnh và phục vụ y tế như chữa bệnh từ xa, qua mạng Internet, chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền Đông Tây y kết hợp... đã làm thay đổi cả nội dung hoạt động, hình thức quản lý, quy mô cũng như phương cách tổ chức, thiết kế xây dựng các cơ sở CSSK phù hợp với chính sách xã hội hóa y tế, công bằng trong công tác CSSK.


Bệnh viện - Cơ sở CSSK có chức năng tổng hợp với nhiều nhiệm vụ đan xen, là môi trường lao động của cán bộ, nhân viên y tế đồng thời là môi trường sinh hoạt nghỉ dưỡng của bệnh nhân, mặt khác là môi trường đào tạo nghiên cứu thực tập của sinh viên và cán bộ khoa học. Mỗi hoạt động đều có những yêu cầu riêng, do vậy việc thiết kế, xây dựng các cơ sở CSSK cần phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản là:


- Giao thông trong công trình phải thông thoáng, tránh bị chồng chéo, đường đi hành lang, cầu thang kích thước phải đủ rộng cho việc lưu thông của xe cáng và thiết bị cấp cứu, người khuyết tật.


- Môi trường khám - Chữa bệnh cần đảm bảo vô khuẩn có khả năng cách ly, tránh lây nhiễm và chủ động quản lý được chế độ vi khí hậu khi cần thiết, đảm bảo an toàn bức xạ ion hóa và an toàn sinh học.


- Thiết kế bệnh viện - cơ sở CSSK không chỉ đúng về dây chuyền công năng, đủ tiện ích cho TTBYT mà còn phải có kiến trúc đẹp, không gian hài hòa, thân thiện, tạo điều kiện nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng của người ốm nhưng đầy đủ, thoáng đạt với người phục vụ, đúng với ý nghĩa mà môi trường “Nhà thương”.


Cuối cùng muốn có thiết kế kiến trúc Bệnh viện - cơ sở CSSK tốt phải có thiết kế dây chuyền công nghệ đúng và trang thiết bị y tế phù hợp.

 


TS.KTS NGUYỄN TRỌNG QUỲNH
Viện Trang thiết bị & Công trình y tế 


Nguồn ảnh: Tác giả, Phạm Tân
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 7/2012

PHAM
In bài viết Gửi cho bạn bè Phản hồi

Các bài mới đăng :
» JACOBS MEDICAL CENTER 
» Bệnh viện nhi Phoenix - công trình y tế với kiến trúc xanh ở bang Arizona 
» Những bệnh viện đẹp nhất thế giới khiến bệnh nhân thích mê 
» Thiết kế thi công phòng X - Quang 
» Những bệnh viện có thiết kế độc đáo nhất hành tinh 
» Giải pháp xây dựng phòng mổ sạch cho bệnh viện 
» Bệnh viện Herlev _ chữa bệnh bằng kiến trúc 
» Thực trạng Kiến trúc bệnh viện ở Việt Nam và kinh nghiệm Quốc tế  
» Kiến trúc bệnh viện ở Hà Nội thời Pháp thuộc 
» Thiết kế thi công phòng X-quang 
» Vật liệu mới trong kiến trúc bệnh viện  

Các bài đã đăng :
» Bài được chọn trong cuộc thi thiết kế Bệnh viện Panama  
» Độc đáo bệnh viện ẩn sâu dưới lòng đất  
» Bệnh viện nha khoa của Estudio Arquitectura Hago 
» Thiết kế bệnh viện mini di động sử dụng thùng container 
» Kiến trúc Bệnh viện tại Abu Dabi 
» Thiết kế bệnh viện tốt có tác động đến sự phục hồi sức khỏe của bệnh nhân 
» Phong thủy trong kiến trúc bệnh viện 
» Bệnh viện Kangbuk Samsung: Hướng tới thiên nhiên 
» Bumrungrad - Bệnh viện tư nhân lớn nhất Đông Nam Á 
» Bệnh viện Herlev - Kiến trúc chữa trị 
» Bệnh viện với thiết kế kiến trúc độc đáo – Croatia 
» Tiêu chuẩn thiết kế bệnh viện đa khoa. 
» Màu sắc ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân 
» Bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ Sài Gòn 
» Ốc đảo xanh ở Bệnh viện Mount Elizabeth - Singapore 
» Lịch sử ra đời của bệnh viện  
» Phòng MRI.